Đôi dòng về câu chuyện tuyển sinh ở Harvard 

Nam

Đôi dòng về câu chuyện tuyển sinh ở Harvard 

Mấy ngày trước, mình có nhận được email từ Phó giám đốc tuyển sinh của Harvard College trường về việc Harvard sẽ lại một lần nữa sử dụng bài thi SAT và ACT – bài đánh giá mà College Board và ACT cho rằng có khả năng dự đoán sự thành công của người học trong bậc Đại học tại Mỹ. Gần đây, một số trường Đại học tại Việt Nam cũng đang dần có xu hướng chấp nhận các bài đánh giá này là một phần của công tác tuyển sinh. Với kì thi Tốt nghiệp THPT sắp tới (với anh chị em 80s hay 90s thì trước gọi là Thi Đại học), mình viết bài này để chia sẻ với các anh chị em, và trong đó có cả các bạn giờ đã lên chức phụ huynh về một góc nhìn về các bài kiểm tra đánh giá mang tính rủi ro cao (high-stake testing) trong giáo dục. 

Yếu tố mà làm cho các bài kiểm tra nhận được nhiều sự chú ý đó chính là tính rủi ro cao . Các bài kiểm tra đánh giá vốn được gắn liền chặt chẽ với quá trình học tập của học sinh, từ kiểm tra miệng, kiểm tra một tiết, cho đến kiểm tra học kì, và cao nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia. Tính rủi ro cao này, theo mình đến từ hạn chế về mặt nguồn lực và kinh tế, đặc biệt là các nước phát triển với dân số đông. Việc cho phép thí sinh hoàn thành một bài thi hoặc kiểm tra trong một thời gian dài hoặc tổ chức đánh giá kì thi liên tục là không khả thi trong thời điểm hiện tại. 

Mặc dù nhiều người học và cả người dạy phản đối giải pháp này, nhưng khó có thể phủ nhận đây là giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế. Các giả thiết như 10,000 giờ luyện tập (Malcolm Gladwell) để trở thành chuyên gia hay việc luyện tập giúp người học có thể giúp người học trở nên nhạy bén hơn bởi Daniel Kahneman (System 1 thinking) với các tình huống quen thuộc để dành thời gian với các vấn đề lớn hơn và sâu hơn (System 2 thinking) là một mô hình giải thích vì sao các trường Đại học sẽ chuộng các sinh viên có điểm thi cao. Tương đương với thiết kế mang tính kinh tế thì giải pháp ngắn hạn hiện giờ mà đa phần phụ huynh và học sinh sử dụng là giải pháp kinh tế: học thêm, luyện thi, thi thử, giải đề mẫu, tăng số giờ luyện tập của con em trong và ngoài trường để đạt được điểm số mong muốn.  

Cách phân loại và tuyển sinh trên cũng dẫn đến mô phỏng hệ thống các trường Đại học như là một mô hình kinh tế: các trường Đại học mà cho ra trường nhân lực làm việc trong các ngành nghề tạo ra giá trị kinh tế cao: Y, Dược, Kinh tế, Ngoại thương, Bách Khoa. Ở các trường Phổ thông hay Đại học tốp đầu (hay nhiều nơi còn gọi là đào tạo tinh hoa), họ không thấy đây là vấn đề lớn hoặc thậm chí không thấy có vấn đề gì. 

Điều này đến từ hai giả thiết: một là học sinh có điểm cao thì có năng lực tư duy logic và giải quyết vấn đề tốt.  Nếu học sinh có khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề hiệu quả và nhanh chóng, thì họ sẽ đọc bài nhanh hơn, đọc các tài liệu khoa học và giải quyết bài tập nhanh hơn để đến với các vấn đề lớn hơn, từ đó Nhà trường sẽ cần đầu tư ít nguồn lực hơn để thiết kế các chương trình ở cấp độ thấp hay dồn nguồn lực vào các trung tâm hỗ trợ sinh viên về mặt học thuật để “theo kịp” các sinh viên khác. 

Giả thiết thứ hai cho rằng các bài đánh giá chỉ là công cụ (tool) và phương tiện (medium) rèn luyện kỹ năng và phẩm chất. Thông qua quá trình luyện thi, luyện môn chuyên, học sinh sẽ rèn luyện các kỹ năng như tổ chức sắp xếp thời gian, rèn luyện trí nhớ, tính kiên định (Grit). Nếu học sinh đạt được một ngưỡng điểm nhất định, thì bài kiểm tra đánh giá sẽ thể hiện được các phẩm chất (characters) mà trường Đại học đang tìm kiếm từ các ứng viên, các thành tố về nhận thức (cognitive abilities) chỉ là một điểm cộng nhỏ. Nếu học sinh đạt được 1550/1600 điểm SAT thì đó là minh chứng xác thực nhất về sự nỗ lực của học sinh, và học sinh xứng đáng được nhận vào Harvard.

Nhóm phản bác với luẩn điểm này chỉ ra rằng cơ chế tuyển sinh sử dụng bài kiểm tra tiêu chuẩn cao do đó thiên vị các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và đầu tư sớm. Nếu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thay vì đi học thêm cần phụ giúp gia đình về mặt kinh tế, trông coi các em nhỏ thì việc họ có khả năng đạt được điểm cao trong bài thi tiêu chuẩn trong cùng một khung thời gian là việc bất công bằng. Luận điểm này bị phản bác bởi GS David Demming tại Trường Chính Sách Kennedy: “Không phải ai cũng có tiếp cận với các dịch vụ luyện thi và chuẩn bị hồ sơ Đại học, nhưng ai cũng có thể có khả năng đạt được điểm tối đa với bài thi tiêu chuẩn”. 

Trong thông báo về việc tái sử dụng điểm thi, Harvard cũng dẫn đường link đến với các tài liệu luyện thi miễn phí như Khan Academy, hay School House World. Nói cách khác, nếu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà có điểm thi cao thì thí sinh này hoàn toàn xứng đáng được nhận vào Harvard, và các thí sinh từ các gia đình có điều kiện hơn thì bên cạnh điểm thi tiêu chuẩn, sẽ cần phải chứng minh năng lực ở các hoạt động ngoại khoá. Vào thời điểm Covid-19, khi bỏ đi điểm thi đánh giá tiêu chuẩn, đội ngũ tuyển sinh phải dựa vào các yếu tố khác như điểm trung bình phổ thông (GPA), hoạt động ngoại khoá và các thí sinh đến từ hoàn cảnh khó khăn càng thiệt thòi hơn vì không có tiếp cận đến với các cơ hội này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rằng Harvard đang tin rằng có một ngưỡng chuẩn với điểm đánh giá tiêu chuẩn mà tất cả thí sinh giàu nghèo cần tối thiểu đạt được – một điều mà Việt Nam đã sử dụng bấy lâu nay: “điểm chuẩn” –  tuy nhiên sự khác biệt ở đây là Harvard sẽ không bao giờ công bố công khai điểm chuẩn này với công chúng. 

Triết gia nổi tiếng với series về Công Lý Michael Sandel đã từng đặt ra vấn đề này trong cuốn “The Tyranny of Merit” (mình tạm dịch là “Tính bạo quyền của sự Giỏi giang”), và mở rộng hơn ra là tính bạo quyền của việc tin vào một trật tự xã hội khi xuất phát điểm đó thiếu công bằng. Ông đồng tình với việc rằng cần có một chuẩn mực tối thiểu (benchmark) với năng lực là cần có, điển hình ở đây là không ai muốn có một phi công hay bác sĩ phẫu thuật mà không thể đạt được các bài thi tiêu chuẩn ở mức tối thiểu. Nhưng ông cũng nêu lên một luận điểm quan trọng rằng, khi chúng ta đã xác định được điểm chuẩn thì yếu tố còn lại của tuyển sinh là câu chuyện may rủi. Rất khó có thể chỉ sự khác biệt lớn giữa thí sinh được 1500 hay 1550 điểm SAT. Với tỉ lệ chấp nhận khoảng 4% thì đồng nghĩa với việc rằng Harvard mỗi năm từ chối hàng chục ngàn thí sinh có điểm SAT thuộc vào nhóm top 10%. Michael Sandel có đưa ra giải pháp một cách nửa thật nửa đùa rằng: hãy lựa chọn một ngưỡng chuẩn tối thiểu – ví dụ 1410/1600 (top 10%) và sau đó quay xổ số để lựa chọn thí sinh. Harvard hiện tại dĩ nhiên đang không thực hiện theo cách tuyển sinh này. 

Kết bài ở đây để hóng xem Harvard sẽ làm gì trong kì tuyển sinh tới… 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *