Learning Design là gì?

Learning Design là gì?

Nam

Learning Design là một khái niệm không quá mới với thế giới nhưng chắc vào thời điểm blogpost này được viết thì có vẻ còn khá lạ lẫm với nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ tóm tắt lại quan điểm của mình về Learning Design, tạm dịch là thiết kế trải nghiệm học tập (LD). Ngay lúc này thì mình cũng chưa thấy ưng ý với cách dịch này 😀

Learning – Học

1. Học và Giáo dục

Learning vs. Education: Học và Giáo dục. Chúng ta chắc nghe điều này suốt, song ở đây mình muốn làm rõ hai khái niệm này để chúng ta có thể thấy LD và Education Design (ED). Hãy cùng nhìn một so sánh thú vị dưới đây của TS. William Rankin

Tác giả: Dr. William Rankin. Nguồn: John D. Couch – Rewiring Education – Former Apple’s Chief of Learning

Nếu bạn nhìn vào cột bên trái, Giáo dục (Education) đa phần có một cấu trúc khá chặt và tập trung, đo lường được, và thường được nằm trong một chủ thể nào đó (institutions). Sự so sánh này hoàn toàn không nhằm để nói tất cả những gì ở cột bên trái là xấu, và những gì ở bên phải là tốt mà là để chúng ta có thể thấy rõ hai khái niệm này trải rộng tới đâu.

Và nếu bạn đưa bảng so sánh này với bất kì một nhà giáo dục kì cựu kinh nghiệm nào, dù là hiệu trưởng, giám đốc chương trình, giám đốc Nhân sự – Đào tạo, họ đều có thể nói với bạn rằng họ hiểu sự khác nhau, song có một yếu tố quyết định sự khác biệt: Giáo dục dễ được định nghĩa hơn, dễ cân đong đo đếm hơn, và điều mà làm cho chúng ta nghe được đến giáo dục nhiều hơn là “sự học” – đó chính là việc học vốn rất trừu tượng, và rất khó đo lường.

Từ đó, Nam muốn bổ sung vào định nghĩa: Learning (Sự học) là một khái niệm trừu tượng mà chúng ta hướng tới, trong khi đó Giáo dục (Education) là sự sắp xếp và bố trí cụ thể để hướng tới một mục tiêu cụ thể của sự học, và là hệ quả của sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa.

Điều khó khăn nhất

Design – Thiết kế

Trước đây, khi bắt gặp ai đó nói đến Thiết kế, tôi thường hình dung ra một điều gì đó rất nghệ sĩ, rất phóng túng và có điều gì đó khai phóng, ít quy củ. Nhưng từ gốc “design” trong tiếng Latin, dēsignō – (tiếng Anh cổ là designate) có nghĩa là gán hoặc chỉ định một điều gi đó, hoàn toàn đối lập với điều mà Nam từng suy nghĩ.

Và chỉ khi bắt đầu thực sự quan sát và nghiên cứu LD thì Nam mới thực sự hiểu được phần nào của khái niệm Thiết kế.

1. Thiết kế là vấn đề sinh tồn

Một trong những điều mà làm cho con người khác với máy móc dù có tiến bộ đến đâu đó chính là khả năng linh hoạt, ứng biến và xử lí vấn đề. Mà cụ thể hơn, là xử lí các vấn đề mới. Đó chính là lí do vì sao mà tôi tin rằng còn phải rất lâu lâu nữa máy móc mới có thể thay đổi hoàn toàn được. Thiết kế không chỉ là việc giải quyết vấn đề, mà còn là giải quyết vấn đề mới, vấn đề cốt lõi, và vấn đề mang tính hệ thống. Mình sẽ nói sâu hơn về điều này trong một bài viết khác

Vậy nên, với các tổ chức, doanh nghiệp thì câu chuyện giải quyết vấn đề cốt lõi, cấp thiết và mang tính hệ thống không còn là việc họ cần suy nghĩ, mà đây là câu chuyện sinh tồn. Vì sao Apple lại là công ty số một thế giới? Vì sao TikTok hay Facebook lại có thể thay đổi được hành vi của con người. Tất cả nằm trong câu chuyện “Thiết kế”.

2. Thiết kế là bài toán Quản trị và Kinh tế

Chính vì sự linh hoạt của con người, mà cụ thể hơn là sự linh hoạt của người dạy, các nhà quản lí giáo dục (bao gồm cả Giám đốc đào tạo) và chính sách giáo dục bấy lâu nay chưa có được cái nhìn toàn cảnh về “sự học”. Điều này được minh chứng bằng việc có một độ chênh rất lớn giữa những người làm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và những người làm quản lí và là lí do mà các nhà chính sách giáo dục và giáo viên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới rất ít khi tìm được tiếng nói chung.

Nhưng với sự thay đổi của công nghệ, mỗi bước đi, mỗi dự án “chuyển đổi số”, mỗi quyết sách “e-learning” giờ đây không còn là câu chuyện nhắm mắt mà làm nữa. Các tổ chức dần nhận ra rằng việc dựa vào sự linh hoạt (và nhiều lúc là khó đoán) của con người là sự rủi ro lớn. Do đó, việc thiết kế hay có tư duy thiết kế trong hoạt động của tổ chức giờ đây giúp doanh nghiệp và tổ chức tiết kiệm nhiều chi phí về lâu dài.

Thêm vào đó, các tổ chức còn nhận ra rằng cấu trúc của tổ chức kinh tế cũ đã không còn phù hợp. Từ doanh nghiệp đến các nền Kinh tế lớn trên thế giới nhận ra rằng hệ thống giáo dục và đào tạo cũ đang lãng phí nguồn nhân lực và tài năng của vô vàn nhân sự tốt và có khả năng thay đổi. Tuy nhiên, nhận định tại thời điểm này (Tháng 1/2022) dường như vẫn là một điêu gì đó khá viển vông với đại đa số những nhà giáo dục và quản trị ngoài kia.

Learning Design

Và khi chúng ta kết hợp một khái niệm trừu tượng, ít rõ ràng và mang tính mục tiêu như “Học” cùng với một động từ mang tính chủ động như “thiết kế”, chúng ta có được một công việc dường như khá là mâu thuẫn

Lời kết

Learning Design là một khái niệm mới phát sinh từ nhu cầu cần phải có sự đào tạo nhanh, liên tục, và luôn cập nhật để theo kịp với nhu cầu của thị trường lao động và học tập suốt đời (Life-long learning). Learning designer trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây do công nghệ về sáng tạo nội dung và tiếp cận rộng rãi của đại chúng tới các thiết bị tăng cao, dẫn đến việc chu trình học tập và cải tiến nội dung học tập được rút ngắn

Nhiệm vụ của Learning Designer sẽ còn liên tục thay đổi liên tục trong thời gian tới. Tập trung giai đoạn 2020 – 2030 (theo dự đoán của Nam) sẽ tập trung vào thúc đẩy vận dụng công nghệ để tăng độ bao phủ và hiệu quả của hoạt động học tập và đào tạo.

Hy vọng bài viết có thể giúp được các bạn hình dung được phần nào công việc Learning Design, ở góc độ cơ bản nhất.

Nam Nguyễn – Learning Architect