Cá nhân hóa trải nghiệm học tập – Personalized Learning

Cá nhân hóa trải nghiệm học tập - Personalized Learning

Nam

Nam Nguyễn – The Learning Architect

Vì sao phải cá nhân hóa?

Cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tạm được hiểu là chỉnh sửa, thay đổi, tạo mới các nội dung và trải nghiệm giúp người học đạt được mục tiêu học tập hiệu quả hơn.

Dù bạn ‘subscribe’ theo triết lí giáo dục của John Dewey hay Edward Thorndike, thì việc cá nhân hóa là tất yếu. việc này đến từ giả thiết rằng người học khác nhau về năng lực nhận thức và tiếp thu (cognitive ability), về kinh nghiệm trong quá khứ, hoặc đơn giản là đang ở độ tuổi phát triển khác nhau (developmental stages).

Theo quan điểm của Nam, cá nhân hóa (trong tiếng Anh là personalization) là quy trình mang tính sở hữu hóa – biến thành của mình. Và từ đó, với Nam thì quan điểm cá nhân hóa là việc giúp cho người học làm chủ được thói quen và hành vi học tập của mình.

Cá nhân hóa giải quyết vấn đề gì? Tại sao Learning Designer phải cần hướng tới cá nhân hóa?

Đây là điều mà vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, ngay cả trong cộng đồng khoa học lẫn doanh nghiệp.

Ở trong môi trường học thuật, cá nhân hóa mang một màu sắc rất khác. Ở môi trường này, mục tiêu trải nghiệm học tập hướng tới sự phát triển sâu rộng và hơn cả là sự sáng tạo, phát minh. Cá nhân hóa ở đây về bản hướng tới việc giúp người học phát huy được tối đa tiềm năng của họ, theo đúng định hướng phát triển của họ. Cá nhân hóa giúp các giáo sư, nhà nghiên cứu kết nối hiệu quả được hơn với người học có cùng hướng nghiên cứu.

Ở doanh nghiệp, cá nhân hóa là câu chuyện hiệu quả về mặt kinh tế. Với mục tiêu là chuẩn hóa và tạo thang đo chính xác cho kỹ năng mà người lao động cần hiểu, và làm được trong một khoảng thời gian ngắn. Do thay đổi liên tục của công nghệ và thị trường lao động, người lao động liên tục cần phải học được kỹ năng mới để đáp ứng với công việc, do đó việc cá nhân hóa ở đây là giải quyết thử thách về nguồn lao động, hướng tới việc dịch chuyển số lượng lớn nhân lực đa dạng (1) từ nhóm công việc này qua nhóm công việc khác (horizontal mobility) và (2) phát triển năng lực chuyên môn sâu hơn (upward / vertical mobility). Theo dự đoán của Nam, trong tương lai thì việc dịch chuyển nhóm (1) sẽ là tất yếu và việc dịch chuyển nhóm (2) hầu như sẽ chỉ diễn ra trong môi trường nghiên cứu hoặc học thuật.

Các hình thức cá nhân hóa?

Đa phần các hình thức cá nhân hóa hiện tại thực chất đang chỉ hướng tới việc tạo ra nhiều nội dung và hình thức hấp dẫn, nhằm thay đổi hành vi (hoặc duy trì) hành vi của người học. Đây là giải pháp hiệu quả trong thời kì đầu của kỉ nguyên Internet.

Dưới đây là bảng tóm tắt một số hình thức cá nhân hóa. Nam mong người đọc lưu ý rằng bảng này không có ý chỉ rằng hình thức ở phía dưới cùng là cao cấp hơn và “đúng hơn” mà tùy vào từng giai đoạn phát triển của người học và tiếp cận công nghệ mà họ có thì mỗi hình thức sẽ có tính khả dụng riêng

Hình thứcChương trình (Program/ Curriculum)Nội dung
(Content)
Phương thức (Delivery)Sản phẩm thường thấyTrung tâmTrường phái
Cá nhân hóa nội dungĐồng bộ Đa dạngĐồng bộYouTube, TikTok, Creator-centric platformsNgười dạyInstructionism
Cá nhân hóa hoạt động hỗ trợ học tậpĐồng bộĐồng bộ, một phần đa dạngĐa dạng – có sẵn, người học lựa chọn phương thức phù hợp MOOC (Khan, EdX, Udemy)Người họcBehaviorism
Cá nhân hóa môi trường học tậpĐa dạngCó tính thích ứng, phụ thuộc vào nguồn lựcĐa dạng – có sẵn, người học lựa chọn phương thức phù hợp Platform-based: Cambly, TUTOR Người họcConstructivism
Cá nhân hóa toàn phầnNgười học tự xâyĐa dạng, phụ thuộc vào nhu cầu (tự xác định) của người họcĐa dạng – tùy thuộc hoàn toàn vào nhu cầu người họcChưa có (theo đánh giá của tác giả bài viết)Người họcConnectivism

Cá nhân hóa giáo dục là một lí tưởng mà các nhà giáo dục hướng tới. Nhưng có lẽ, lý tưởng nhất đó chính là việc người học chủ động, tự xây chương trình, tự xây nội dung, tự tìm cách thức học tập riêng phù hợp với mục tiêu học tập của bản thân. Vậy thì vai trò của người làm giáo dục hay của Learning Designer khi đó là gì?

Câu hỏi cần suy nghĩ

Cá nhân hóa có phải là đích đi mà chúng ta hướng tới? Hay đây là một trong những điều vốn đã diễn ra và việc chuẩn hóa các phương thức giáo dục là một điều dị biệt trong quá trình phát triển của khoa học học tập? Có khi nào việc cá nhân hóa là việc trở lại một trạng thái “bình thường mới?”

Lớp học thế kỉ 19 – không phân lớp, không phân trình độ, không phân chia môn học

Nam cũng đã làm một video ngắn tóm tắt về các trường phái và tổng quan về cá nhân hóa giáo dục trước đây, các bạn có thể cùng xem và tham khảo nhé!

Nam Nguyễn – Learning Architect